Lảo Thẩn – đỉnh núi dành cho người lần đầu leo núi
Lảo Thẩn cách thị trấn Sa Pa 80 km, nằm tại thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Với độ cao 2.862m, Lảo Thẩn được xem là nóc nhà Y Tý và là đỉnh núi cao thứ 14 ở Việt Nam. Đường lên đỉnh Lảo Thẩn có độ khó trung bình, được đánh giá là phù hợp với người lần đầu trekking. Người ta hay ví von Lảo Thẩn như tấm giấy thông hành cho những người muốn làm quen với bộ môn leo núi đầy mạo hiểm.

Y Tý vốn rất nổi tiếng là điểm hẹn săn mây của các tín đồ xê dịch, nơi bạn dễ dàng bắt gặp những biển mây bồng bềnh cả 4 mùa trong năm. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất cho hành trình chinh phục Lảo Thẩn là từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, vì thời gian này thời tiết thuận lợi, dễ tụ mây. Ngoài ra, nếu đến Y Tý trong khoảng tháng 9, tháng 10, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang chín vàng khắp các triền đồi.
Địa hình đường lên đỉnh Lảo Thẩn chủ yếu là đồi trọc, đồng cỏ, rừng thưa khiến cảnh quan vừa thơ mộng, thoáng đãng, vừa hoang sơ, ma mị.
Hành trình chinh phục Lảo Thẩn – lạc bước trên thiên đường mây
Sau chuyến xe đêm khoảng 8 tiếng từ Hà Nội, Sa Pa đón chúng tôi bằng sương mù bao phủ và cái lạnh cắt da cắt thịt.Từ đây, chúng tôi đi tiếp qua Mường Hum, hướng về Y Tý.
Chặng đường này mất khoảng 3h đồng hồ. Tổng quãng đường trekking cả lên lẫn xuống khoảng 15km.
Xuất phát! Chúng tôi tấp tểnh lên đường. Trời lạnh và sương dày đặc khiến ai cũng lo lắng vì bị cản trở tầm nhìn và khả năng lớn sẽ không ngắm được mây như mong đợi. Nhưng điều đó không làm giảm đi sự háo hức, tò mò của chúng tôi cho chặng đường phía trước.


Chúng tôi đi qua 1 đoạn rừng ngắn, thưa thớt cây với những gốc gỗ khô phủ dương xỉ chuyển màu như vườn cổ tích. Sau đoạn rừng này, đường từ chân núi lên lán chủ yếu là đồi trống. Những triền dốc phủ đầy những bông hoa dại màu trắng. Đi sâu vào là đồng dương xỉ khô, cỏ cháy, những gốc cây khô nghiêng ngả khiến chúng tôi như lạc bước vào thế giới khác.
Sau 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến được lán nghỉ. Tầm 4-5 giờ chiều, những tia nắng yếu ớt khẽ xuyên qua màn sương dày rồi tắt lịm. Sương trắng xóa và không có hoàng hôn. Xung quanh là không khí núi rừng trong lành mà lâu lắm rồi mới lại được hít thở.
Bóng tối dần phủ xuống bao trùm không gian rộng lớn, hoang vu. Tại lán, chúng tôi nướng thịt, dùng bữa tối và nghỉ ngơi lấy sức cho hành trình ngày mai. Đêm và sáng sớm ở Lảo Thẩn cực kỳ lạnh, nhiệt độ xuống còn 4,5 độ C. Gió rít từng cơn. Có nghỉ lại đêm trên núi mới cảm nhận hết cái bí ẩn, âm u của núi rừng. Khuya, bầu trời đầy sao là tín hiệu nói cho chúng tôi biết rằng thời tiết hôm sau sẽ khá hơn.
Hôm sau, từ 4h sáng, chúng tôi đã phải bắt đầu hành trình lên đỉnh để kịp đón bình minh. Dù đường đi tối, chúng tôi đều háo hức vì ai cũng mong chờ được nhìn thấy khoảnh khắc mặt trời ló rạng trên biển mây. Đường từ lán lên đỉnh khó hơn, trong bóng đèn pin yếu ớt, chúng tôi phải băng qua rất nhiều dốc. Đá xuất hiện nhiều hơn khiến tôi có thời điểm mệt ná thở.


Trời sáng dần, chúng tôi nhìn thấy những những biển mây trắng bồng bềnh xuất hiện trước mắt. Dù di chuyển khá vất vả nhưng cái cảm giác “đi trên mây” dường như khiến chúng tôi cảm thấy đôi chân nhẹ đi phần nào.
Chúng tôi check-in tại cột mốc đỉnh Lảo Thẩn trong cái lạnh tê tái, gió thổi vù vù, ai nấy đều co ro. Khung cảnh tựa trong mơ trước mắt quả là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực đã bỏ ra. Không khí lạnh buốt chỉ cần thở là ra khói và đôi chân ê ẩm lại nhắc nhớ mình quay lại với hiện tại – chặng đường xuống núi cũng đầy khó khăn phía trước. Trong những giai điệu quen thuộc Đi theo bóng mặt trời, Đưa nhau đi trốn của Đen…, tôi vừa đi vừa hít hà mùi sương, mùi cỏ cây, mùi đất, mùi núi rừng.
Hành trình xuống núi kết thúc lúc 1 giờ chiều, chúng tôi di chuyển về Sa Pa, ăn tối, nghỉ ngơi và quay về Hà Nội.


Một vài lưu ý khi trekking Lảo Thẩn
● Là đỉnh núi không quá phức tạp, độ dốc vừa phải, nhưng bạn cũng nên dành ra 2 ngày 1 đêm để có thời gian cảm nhận thiên nhiên hoang sơ và phục hồi sức khỏe sau ngày đầu tiên.
● Bạn nên thuê porter hỗ trợ. Họ những người dân địa phương sẽ giúp bạn vác đồ. Ngoài ra, porter rất thông thạo địa hình giúp bạn tránh lạc đường và những sự cố đáng tiếc.
● Trước khi đi nên chuẩn bị trang phục và các vật dụng cần thiết: áo phông, áo khoác gió, áo ấm dày (vì trên lán cực kỳ lạnh), giày trekking, tất cao cổ, balo chống nước, đèn pin, mũ, áo mưa, thuốc chống côn trùng, thuốc giảm đau.
● Hành lý mang theo gọn nhẹ nhất có thể vì đường leo núi rất vất vả.
● Bạn cần mang theo nước, nước tăng lực, kẹo để tiếp thêm năng lượng dọc đường.
● Trước khi leo núi, bạn cần tập thể lực trước một tháng để đảm bảo đủ sức khỏe cho hành trình.
Bài: Lê Phương
.png)