Mâm cỗ Tết của người Hà Nội
Trong nét văn hóa cổ truyền của người Việt Nam, vào bất cứ dịp nào từ cưới xin đến giỗ chạp, người ta cũng đều bày biện mâm cỗ tươm tất. Nhưng có lẽ mâm cỗ ngày Tết là đặc biệt hơn cả.

Đối với người Hà Nội, mâm cỗ Tết luôn đòi hỏi có sự cầu kỳ, tinh tế trong từng món ăn, thể hiện những tinh hoa ẩm thực đậm hương sắc của vùng đất Hà thành.


Theo truyền thống, mâm cỗ ngày Tết phải có tứ trụ 4 bát 4 đĩa tượng trưng cho bốn mùa và bốn hướng. Nhà nào khá giả có thể làm mâm cỗ to hơn với 6 bát 6 đĩa hay 8 bát 8 đĩa.


Mỗi nhà mỗi khác, nhưng có những món ăn đã trở thành đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết. Người Hà Nội nói riêng và người miền Bắc nói chung thường sắp cỗ Tết với bánh chưng, gà luộc, thịt lợn nấu đông, giò lụa, chả quế, nem rán, canh bóng, đĩa xào, xôi, dưa hành,... Mỗi món ăn sẽ được bày gọn gàng trong bát, đĩa cỡ nhỏ, có họa tiết cổ men lam đặc trưng của Bát Tràng.


Gà cúng nhất định phải là gà trống hoa. Khi luộc gà thì phải luộc nước sôi, để thứ nước nóng già ấy trám tiết con gà lại giúp cho nước luộc không bị tanh và đục. Nồi gà sôi lại là phải hạ lửa đun liu riu, vừa đun vừa hớt bọt. Nước luộc gà thơm và trong đem nấu một bát canh bóng ngọt thanh, dịu mát. Gà luộc xong phải giữ được phần da vàng ươm. Nếu để nguyên con thì gà phải buộc cánh tiên, miệng ngậm một bông hồng nhung đỏ thẫm, nếu chặt thành miếng thì phải thật đều tay, xếp lên đĩa thật đầy đặn rồi rắc lên trên vài sợi lá chanh thái chỉ. Đặc biệt, đi kèm với đĩa thịt gà luộc thì không thể thiếu đĩa muối tiêu chanh, đó mới thật sự đầy đủ hương vị đặc trưng cho món ăn này.


Bánh chưng khi gói thì không xếp miếng thịt theo chiều dọc mà khía răng cưa rồi cuộn lại thành hình tròn. Làm thế thì khi xắt bánh ra thành 8 miếng, miếng nào cũng có đủ phần bì, phần mỡ, phần nạc. Bánh chưng sau khi luộc chín sẽ được dâng lên gia tiên trước nhất.


Rau ngày Tết thời đó chủ yếu chỉ có su hào, cà rốt, củ đậu nhưng các bà các mẹ chế biến rất khéo. Cà rốt su hào được chia thành các phần khác nhau, chỗ vuông vức thì tỉa hoa hay thái chỉ làm nộm, chỗ méo thừa thì gọt cho tròn trịa để làm chân tẩy cho bát bóng hay thái hạt lựu làm món hạnh nhân xào.


Mâm cơm dâng lên trau chuốt bao nhiêu thì khi hạ xuống để dùng càng phải mực thước bấy nhiêu. Nếu nhà có khách thì đầu tiên là mời khách xơi miếng bóng, tiếp đến là miếng nấm, miếng thịt thăn, sau đó mới sang đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa xào,… Các món ăn đầy đặn mà vừa vặn bày trong bát đĩa nhỏ xinh cứ được tiếp như thế cho đến hết theo trình tự từ vị thanh tới vị đậm. Nhờ vậy mà khách vừa ngon miệng, vừa cảm được sự ý nhị và chu đáo của chủ nhà.


Theo thời gian, mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội đã có nhiều đổi khác, phần vì người Hà Nội hiện đại cập nhật nhiều món ăn với cách nấu mới, phần nữa do điều kiện, sở thích khẩu vị của từng người khác nhau. Dù vậy, cách thực hiện mâm cỗ Tết của người Việt Nam vẫn có điểm chung đó là sự thành tâm để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và tình yêu của các thành viên trong gia đình được đặt trong mâm cơm đoàn viên.

Hà Nội, Việt Nam
Chia sẻ qua Facebook
Chia sẻ qua Messenger
Sao chép liên kết