Chùa Hương tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đây là một quần thể văn hóa – tôn giáo nổi tiếng với nhiều đền chùa, đình thờ cúng. Trải qua hàng trăm năm, lễ hội chùa Hương đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của dân tộc, mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian gắn liền với nền nông nghiệp.
Chùa Hương gồm 4 tuyến hành hương: tuyến Hương Tích, tuyến Thanh Sơn, tuyến Long Vân và tuyến Tuyết Sơn. Trong đó, tuyến Hương Tích được nhiều người lựa chọn hơn cả. Với lịch trình này, bạn sẽ đi từ bến Đục đến Đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích tới chùa Giải Oan. Mỗi địa điểm lại có cách sắm lễ và hành lễ khác nhau.
Từ nơi tập kết là bến Đục, bạn sẽ được xuôi dòng suối Yến để vào cõi thanh tịnh. Suối Yến là con đường duy nhất mà bất cứ ai muốn hành hương cũng phải đi qua. Con suối không quá dài nhưng đủ để làm say lòng bất kỳ ai với khung cảnh nên thơ của núi rừng. Vào mùa hoa súng, những đóa hoa tím ngắt bừng nở càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp hiền dịu của con suối này.
Sau khi đi đò qua bến Đục, suối Yến, bạn sẽ tới đền Trình. Đúng như tên gọi, đây là nơi bạn làm lễ “trình diện” với thần linh trên núi Ngũ Nhạc, là đền thờ một vị thần núi. Tại đây, đồ lễ dâng lên là lễ mặn như thịt gà, lợn, giò chả… Đây cũng là điểm duy nhất cúng lễ mặn trong quần thể những điểm đến ở chùa Hương.
Rời đền Trình, bạn lên thuyền tiếp tục ngược dòng suối Yến hướng về phía chùa Hương. Mùa xuân, nước suối trong, mát lạnh. Ngồi trên thuyền, bạn sẽ có được khoảng thời gian tận hưởng bầu không khí se lạnh và tĩnh mịch. Hai bên không thấy bờ mà chỉ là những ruộng lúa nước mênh mông. Mưa xuân lất phất khiến khung cảnh Hương Sơn mờ mờ ảo ảo.
Xuống thuyền, men theo con đường lớn lát đá xanh, bạn sẽ tới chùa Thiên Trù. Khi đi qua cổng Nam Thiên môn, bạn hãy lưu ý đi vào cửa bên phải (giả quan) và đi ra bằng cửa bên trái (không quan). Cửa chính (trung quan) chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng vào ra. t lễ vật, thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông. Tiếp theo đó là đặt lễ lên hương án của Chánh điện, thắp đèn nhang, làm lễ chư Phật, Bồ tát. Dâng hương tại chùa Thiên Trù chỉ được sắm lễ chay như hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè... Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa.
Tiếp tục cuộc hành trình, bạn sẽ thấy chùa Tiên Sơn nằm trên dốc núi cao phía bên phải. Chùa Tiên Sơn có chánh điện tựa lưng bên sườn núi, khoảng sân phía trước rất thoáng mát và có thể bao quát cả một vùng rừng núi xanh thẳm. Bên trái chính điện là thạch động với những pho tượng Phật cao gần nửa mét bằng thạch nhũ trắng trong, nhìn thấu từ trước ra sau. Ngoài ra, thạch động còn có những phiến đá khi gõ vào phát ra tiếng vang như chuông, trầm như trống và cốc cốc như mõ.
Rời thạch động, có lẽ lúc này, tiếp tục leo thêm hai cái dốc, bạn sẽ thấy năm chữ “Nam thiên đệ nhất động” do chúa Trịnh Sâm đặt bút ngay lối vào động Hương Tích. Trên trần động Hương Tích rủ xuống chín nhũ đá hình chín con rồng chầu một khối thạch nhũ dưới nền động, gọi là “Cửu Long Tranh Châu”. Ngoài việc dâng hương, thành tâm hướng Phật, một số người có thói quen hứng những giọt nước rơi từ các nhũ đá trên nóc động để cầu một năm mới may mắn, an lành.
Chùa Hương hương khói quanh năm, không chỉ là thắng cảnh du lịch mà còn là điểm đến tâm linh cho nhiều người, những người muốn tìm về với đất Phật. Lễ hội chùa Hương còn là nơi hội tụ và bảo tồn nét sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo với các hoạt động đặc sắc như bơi thuyền, leo núi, hát chèo, hát văn,…
Ảnh: Internet
.png)