3 lý do phải đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Được đánh giá là điểm đến thú vị tại thủ đô Hà Nội trên các diễn đàn du lịch, Bảo tàng Dân tộc học thu hút lượng lớn người tham quan vì những lý do gì? Hãy cùng Migo tìm hiểu.

Nguồn: Hương Chi 



Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hóa có giá trị, được chia theo các nhóm dân tộc như Mông - Thổ - Chứt, Việt, Chăm - Hoa - Khmer, Hán - Tạng, v.v.. Số lượng hiện vật tại bảo tàng lên tới 27.000 hiện vật, trong đó 23.000 hiện vật về cộng đồng các tộc người Việt Nam, còn lại là các hiện vật về các dân tộc ở Đông Nam Á và thế giới. Bảo tàng có ba khu vực tham quan: tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á.


Trên các diễn đàn du lịch, Bảo tàng Dân tộc học được khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá là nơi tìm hiểu văn hóa bổ ích, lý thú và đáng ghé thăm với những lý do sau đây.


Sáng tạo khi tái hiện chi tiết đời sống các dân tộc


Văn hóa là một khái niệm trừu tượng khi bao gồm cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Vậy nên để đưa đến cho khách tham quan sự hiểu biết khái quát về các nhóm dân tộc, bảo tàng đã thể hiện cuộc sống ấy theo cách sống động và chân thực qua từng chi tiết.


Mỗi nhóm dân tộc được dựng lại cảnh sinh hoạt thường nhật như dệt vải trong nhà của người Thái đen, lễ “cấp sắc” của người Dao đỏ hay đám ma của người Mường Hòa Bình. Hơn nữa, các hiện vật từ trang phục, dụng cụ cũng được nhất quán chú trọng, kèm theo âm thanh và video minh họa cho mỗi hoạt cảnh. Điều này giúp cho người xem dễ dàng tiếp nhận các thông tin trước sự đa dạng của văn hóa mỗi dân tộc.


Nguồn: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hải Linh 


Khám phá những ngôi nhà nguyên bản của các nhóm dân tộc


Ấn tượng tiếp theo của Bảo tàng Dân tộc học là khu vực trưng bày ngoài trời với 10 công trình nhà ở của các dân tộc, hầu hết được chính những người dân tộc thiểu số cất công đến thủ đô Hà Nội để xây dựng.


Đó là nhà sàn của người Tày, ngôi nhà rông cao 19m của người Bana, nhà mồ của người Gia-rai, nhà dài của người Ê Đê, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà ba gian truyền thống của người Việt, v.v..


Trong mỗi ngôi nhà, các hiện vật trong không gian sinh hoạt chung, giường tủ, chén bát đến chiếc cầu thang bước lên nhà rông, nhà dài đều tạo sự hứng thú, tò mò tìm hiểu và trải nghiệm cho khách tham quan.


Nguồn: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam


Các chương trình, hoạt động vui chơi thú vị 


Cuối cùng, bảo tàng Dân tộc học chắc chắn không phải là địa điểm chỉ nên “đến một lần rồi thôi”. Bởi vào những ngày cuối tuần hay các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, rằm trung thu, v.v.. tại đây thường tổ chức các chương trình biểu diễn đặc sắc và hấp dẫn, là không gian để các vị khách từ nhỏ tuổi đến lão niên tham gia vui chơi, thưởng thức nghệ thuật dân tộc.


Bạn có thể tìm hiểu cách sàng sẩy thóc của nông dân miền Bắc, đi thử cầu khỉ của nhân dân Nam Bộ hay dự thính một buổi diễn múa rối nước ngoài trời. Ngoài ra, bảo tàng còn mở một số triển lãm nhằm giới thiệu các loại hình nghệ thuật đến từ các nước trên thế giới tới người dân Việt Nam.


Nguồn: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Địa chỉ: Đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội

Giờ mở cửa: 8h30 - 17h30, nghỉ thứ 2

Giá vé: Người lớn 40.000vnd/ lượt, trẻ em dưới 6 tuổi miễn phí

Điện thoại: +84 243 756 2193

Website: https://www.facebook.com/btdth/  

Tác giả:

Ling Pam
Hà Nội, Việt Nam
Chia sẻ qua Facebook
Chia sẻ qua Messenger
Sao chép liên kết