Tháng 1 - Tiết trời dịu nhẹ
Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của các khu chợ truyền thống Sài Gòn như Bến Thành, Bình Tây hay An Đông ở Chợ Lớn, mọi người tất bật chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Nổi bật nhất là chợ hoa Hồ Thị Kỷ, với đủ loại cúc, lan, lưu ly, cát tường, đồng tiền… Các trung tâm thương mại lớn thời gian này cũng có nhiều ưu đãi hấp dẫn dịp cuối năm.
Lưu ý: Giao thông đông đúc, bạn cần chú ý khi đi lại hoặc cẩn thận đồ đạc. Đây là lúc thích hợp để tham quan các hội quán, chùa chiền nổi tiếng Sài Gòn.
Tháng 2 - Khô ráo, ngày nắng, tối mát
Sài Gòn với không khí Tết cổ truyền, cảnh trên bến dưới thuyền ở chợ hoa Bình Đông - chỉ mở từ 23 tháng Chạp, sắc mai vàng rực rỡ khắp các tuyến đường, phố phường trang hoàng đầy sức sống, đặc biệt là ở quận 5. Hai điểm đến khác nổi bật là đường hoa Nguyễn Huệ và phố ông Đồ (đường Phạm Ngọc Thạch), mở từ trước đến sau Tết.
Tháng 2 cũng là mùa hoa kèn hồng, loài hoa có hình dạng giống hình chuông, màu hồng phấn và mọc thành từng chùm khoảng 5 - 12 bông. Hoa mọc nhiều trên đường Võ Văn Kiệt, Hàm Nghi (quận 1), đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) hay khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh, giáp quận 7, quận 8).
Tháng 2 là tháng khô nhất, bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm, uống nhiều nước trong suốt chuyến đi.
Ảnh: vnvy99
Tháng 3 - Khô nóng nhưng vẫn dễ chịu khi nắng tắt
Vào độ tháng 3, hoa huỳnh liên ở Sài Gòn lại nở rộ. Hoa được trồng làm cảnh ở nhiều công viên, vỉa hè ở Sài Gòn nhưng đẹp nhất là hàng cây bên tuyến đường ray nội đô, chạy qua quận 3, Phú Nhuận. Trong đó, đoạn ở khu vực đường Lê Văn Sỹ, Nguyễn Văn Trỗi, cây được trồng nhiều hơn cả, hấp dẫn nhiều bạn trẻ mê chụp ảnh.
Lưu ý: Nếu chụp hoa huỳnh liên, bạn chú ý quan sát và tránh xa đường ray, kể cả khi không có đoàn tàu nào chạy qua.
Tháng 4 - Nắng nóng ban ngày, gió mát ban đêm
Điểm nhấn của tháng 4 Sài Gòn chính là loài hoa osaka vàng óng, nở thành chùm rủ xuống như đèn lồng rực rỡ, dọc tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa và đường Điện Biên Phủ. Tháng 4, bạn nên ghé thăm Dinh Thống Nhất và địa đạo Củ Chi.
Lưu ý: Nắng nóng và mưa bất chợt nên chiếc ô có lẽ là “bạn đồng hành" hữu ích trong hành trang của bạn.
Tháng 5 - Mùa mưa bắt đầu, tiết trời nóng ẩm
Mưa dông thường xuất hiện vào chiều tối kèm sấm sét, thường diễn ra rất nhanh, ào ào trút xuống rồi lại tạnh ngay nên bạn vẫn có thể tiếp tục hành trình.
Bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong ẩm thực Sài Gòn. Đó là cảm giác xuýt xoa khi thưởng thức nồi lẩu nóng hổi trong không khí mát lạnh của cơn mưa vừa đổ xuống. Một số món lẩu gợi ý cho bạn: lẩu cá kèo, lẩu gà ớt hiểm, lẩu cá, lẩu bò...
Lưu ý: Mưa đổ đột ngột trong thời tiết nóng dễ dàng làm cho mọi người bị ốm. Do đó hãy chuẩn bị sẵn các loại thuốc cảm cúm.
Ảnh: tientiton1807
Tháng 6 - Mưa nhiều, đường phố dễ ngập
Dù nắng hay mưa, khi đã đến Sài Gòn dịp này, bạn nên ghé lễ hội trái cây lớn nhất Việt Nam tổ chức tại Suối Tiên (quận 9) để thưởng thức đặc sản của vùng nhiệt đới như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... hay ghé Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) để hòa mình vào ngày hội Văn hóa đọc (tổ chức vào tháng 6 hàng năm).
Lưu ý: Vào những ngày mưa lớn, bạn hạn chế di chuyển hoặc tránh đường Calmette, Cô Giang, Hồ Hảo Hớn (quận 1), Kỳ Đồng (quận 3), Đoàn Văn Bơ, Vĩnh Khánh, Hoàng Diệu (quận 4), Dương Tử Giang, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Cừ, Đỗ Ngọc Thạch (quận 5)...
Tháng 7 - Mưa nhưng vẫn nóng
Khi những cơn mưa trút xuống, cũng là lúc các hồ sen ở vùng ven Sài Gòn nở hoa rực rỡ, đẹp như tranh vẽ. Nổi bật nhất là đầm sen Tam Đa, quận 9, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 20 km.
Lưu ý: Mưa ở Sài Gòn thường tập trung vào chiều và tối, bạn nên tranh thủ tham quan các điểm ngoài trời vào buổi sáng. Nếu đến đầm sen, thì sáng sớm cũng là thời điểm thích hợp để chụp ảnh khi nắng không quá gắt.
Tháng 8 - Mưa xoa dịu nắng nóng
Bạn dành thời gian thưởng thức cà phê Sài Gòn với đủ loại hình, từ cà phê vợt, cà phê chung cư đến cà phê bệt, cà phê sân vườn… Ngồi ngắm mưa rơi trong những khung trời hoài niệm ở Sài Gòn chắc chắn sẽ ghi dấu những kỷ niệm khó quên trong lòng bạn.
Lưu ý: Bên cạnh ô che mưa, bạn vẫn nên chuẩn bị áo chống nắng, kem dưỡng da để bảo vệ mình do thời tiết khá thất thường.
Tháng 9 - Nóng ẩm, mưa nhiều
Sài Gòn dịp này rộn ràng không khí Trung thu, đặc biệt là phố đèn lồng Lương Nhữ Học ở quận 5.
Lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ cũng tổ chức vào dịp 14, 15, 16 tháng 8 âm lịch. Đây là lễ hội có lịch sử lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng của ngư dân vùng biển Cần Giờ với nhiều hoạt động cầu mong một mùa đánh bắt bội thu.
Lưu ý: Cần Giờ cách trung tâm khoảng 50 km, một đoạn cần di chuyển bằng phà. Nếu mưa to, gió lớn, tuyến phà này sẽ dừng hoạt động để đảm bảo an toàn.
Tháng 10 - Lượng mưa giảm dần nhưng cái nắng vẫn “không buông"
Từ bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bảo tàng TP HCM đến bảo tàng Mỹ thuật… tất cả sẽ giúp bạn có một góc nhìn sâu lắng hơn về điểm đến nổi tiếng sôi động này.
Lưu ý: Bảo tàng ở Sài Gòn mở cửa hầu hết các ngày trong tuần và thường đóng lúc 17h00, giá vé trung bình 30.000 đồng/người.
Tháng 11 - Thời tiết dễ chịu, mát mẻ về đêm
Thời tiết mát mẻ vào ban đêm là điều kiện lý tưởng để du khách khám phá thành phố không ngủ Sài Gòn, với phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ, ngắm cảnh sông Sài Gòn...
Lưu ý: Bạn nên cẩn thận tư trang khi khám phá Sài Gòn về đêm.
Tháng 12 - Mát mẻ, tạnh ráo
Nếu thích mua sắm thì các trung tâm thương mại những tháng cuối năm là thiên đường dành cho bạn với hàng loạt chương trình giảm giá cực sâu. Trên các con phố thời trang như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sĩ, bạn sẽ thấy nhiều biển hiệu sale off tới 50%, 70% khắp mọi nơi. Bạn cũng không bỏ lỡ cơ hội tận hưởng không khí Giáng sinh rộn ràng ở các nhà thờ, xóm đạo hay các trung tâm mua sắm.
.png)