À ố show - Xiếc tre kể chuyện làng và phố
À Ố show là loại hình xiếc kể chuyện sử dụng đạo cụ chính là tre ra mắt năm 2013. Chữ “À” trong tên gọi đại diện cho “làng”, “Ố” gợi nhớ cho “phố”. “A!”, “Ô!” còn là những từ cảm thán mà khán giả thốt lên khi xem những màn trình diễn bất ngờ trong vở diễn này.
Các nghệ sĩ không chỉ mang đến khán giả những cú nhào lộn, tung hứng mãn nhãn, mà cả màn vũ đạo, múa đương đại, biểu diễn võ thuật... lôi cuốn. Các vật dụng quen thuộc bằng tre, nứa xuất hiện trong mọi bối cảnh, như sợi dây kết nối các diễn viên, các loại hình nghệ thuật lại với nhau, để tái hiện cuộc sống, tâm hồn của người nông dân Nam Bộ.
Trên nền nhạc cụ truyền thống như đàn kìm, đàn tranh, sáo trúc, đàn môi kết hợp âm thanh beatbox hiện đại, khung cảnh làng quê yên bình, mộc mạc hay phố thị hiện đại, hối hả cứ hiện dần lên sinh động, mang đến những cung bậc cảm xúc khác lạ cho người thưởng thức.
Lịch diễn: Suất diễn gần nhất vào 20h các ngày 1-3/5/2021.
Giá vé: 3 hạng 560.000 đồng - 920.000 đồng - 1.280.000 đồng (giá hiện khuyến mãi 20%)
Thời lượng: 60 phút
"Làng tôi" - Miền quê Bắc Bộ trong vở xiếc tre
Vở xiếc tre “Làng tôi” ra đời năm 2005 mang đậm văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Phần nhạc của vở diễn tập trung vào các loại nhạc cụ điển hình của vùng Bắc Bộ như đàn môi, kèn, nhị, trống chèo... kết hợp với thanh âm làng quê gần gũi như tiếng gà gáy, tiếng ru con, tiếng chão chuộc đêm, tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng hò lao động…
Bức tranh làng quê Bắc Bộ nên thơ hiện ra theo mỗi động tác đu dây, uốn dẻo... của nhóm nghệ sĩ cùng những cây tre mộc mạc. Hình ảnh những đứa trẻ chơi đũa tre trong lúc cha mẹ làm đồng, người nông dân hút điếu cày trong lúc nghỉ trưa dưới bóng cây xanh hay cặp tình nhân hẹn hò trên cây cầu tre dưới bầu trời sao lấp lánh….
“Làng tôi" được ví như “chiếc vé" trở về cuộc sống thôn dã nơi làng quê Bắc Bộ, để thả hồn theo dòng ký ức dấu yêu một thời.
Lịch diễn: Chưa công bố
Giá vé: 3 hạng 700.000 đồng - 1.150.000 đồng - 1.600.000 đồng
Thời lượng: 60 phút
“Teh Dar" - Âm hưởng Tây Nguyên trong vở xiếc tre
Teh Dar trong tiếng K’ho có nghĩa là đi vòng tròn - một hình ảnh quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc Tây Nguyên. Vở diễn nghệ thuật xiếc tre kết hợp nhạc sống ra mắt năm 2016.
Hình ảnh Teh Dar được đạo diễn khai thác tối đa qua các màn nhào lộn táo bạo và tạo hình đẹp mắt của các nghệ sĩ. m hưởng đại ngàn còn thể hiện rõ qua việc sử dụng tài tình hơn 20 nhạc cụ của đồng bào dân tộc Bana, Ê Đê, K’ho, Giarai bao gồm chiêng, trống, tù và, đàn Goong, Đing năm, T’Rưng, lục lạc...
Kết hợp cùng với nghệ thuật dàn dựng sân khấu và ánh sáng huyền ảo, show diễn đưa người xem bước vào không gian ma mị của những cuộc săn voi, lễ hội đâm trâu hay không gian lãng mạn của đêm trăng hò hẹn, không gian sôi động của đêm hội cồng chiêng.
Lịch diễn: Chưa công bố lịch diễn sắp tới
Giá vé: 3 hạng 700.000 đồng - 1.150.000 đồng - 1.600.000 đồng
Thời lượng: 60 phút
"Sương sớm" - Bức tranh đồng quê say đắm
Sương Sớm là vở múa đương đại kết hợp ba-lê bán cổ điển xoay quanh những câu chuyện về cây lúa, hạt gạo cùng cuộc sống thường nhật của nông dân vùng đồng bằng Nam Bộ. Vở múa ra mắt năm 2011.
Sương Sớm chạm đến cảm xúc người xem khi tái hiện khung cảnh làng quê hồn hậu mà cực kỳ sống động qua ngôn ngữ hình thể uyển chuyển, mượt mà trên sân khấu. Các đạo cụ biểu diễn được làm từ vật dụng quen thuộc của nhà nông như: đệm phơi lúa, chiếc đũa cả xới cơm, thúng, nong, nia, sàng, đôi quang gánh… hay cây rơm, cây rạ, cây tre, cây sả… Một trong những phân cảnh ấn tượng nhất của vở diễn là dòng thác trắng bằng gạo đổ xuống sàn sân khấu từ trần nhà hát, gợi nhắc về “hạt ngọc trời cho”, thành quả từ mồ hôi nước mắt của người nông dân gắn bó cuộc đời mình với ruộng đồng.
Âm thanh, âm nhạc cũng là điểm nhấn của vở diễn này khi lời ca, câu hò, tiếng hát được lồng ghép khéo léo cùng tiếng đàn bầu thánh thót, tiếng nước chảy róc rách, tiếng chuông ngân vang, tiếng ếch nhái kêu ộp oạp. Khán giả có thể cảm nhận không khí vui tươi rộn rã của ngày mùa, nghe âm thanh quen thuộc của đồng quê, ngửi thoang thoảng hương sả, mùi nhang đốt trong chùa… như thể đang trở về một vùng nông thôn thật sự.
Lịch diễn: Chưa công bố lịch diễn sắp tới
Giá vé: 3 hạng 700.000 đồng - 1.150.000 đồng - 1.600.000 đồng
Thời lượng: 60 phút
"Palao" - Câu chuyện văn hóa Chăm giữa lòng phố Hội
Palao trong tiếng Chăm nghĩa là “buông, thả trôi, để đón nhận những điều mới mẻ”. Khi một con thuyền lớn sắp ra khơi, khi người trẻ ra đời, khi tiễn một sinh linh , người Chăm nói “palao”. Trên tinh thần ấy, vở diễn Palao ra mắt năm 2018 đã chắt lọc những gì đẹp nhất của một nền văn hóa đang mai một, để kiến tạo một “bảo tàng sống” về văn hóa Chăm trên sân khấu bằng nghệ thuật múa và âm nhạc bản địa đương đại.
Ở Palao, vải trắng và chum đất nung đóng vai trò như người kể chuyện. Những thứ gắn liền với đời sống của người Chăm khi lên sân khấu trở thành cầu nối giúp người xem hiểu hơn về các giá trị di sản văn hoá Chăm.
Giữa sân khấu tối giản trắng đỏ, thanh âm của các nhạc cụ lễ tục xưa như Ghinăng, Paranưng, Saranai, Kanhi, kèn ốc của dân tộc Chăm được phá cách táo bạo cùng âm nhạc điện tử, khiến người nghe chìm đắm trong không gian âm nhạc mạnh mẽ, đầy cuốn hút.
Lịch diễn: Chưa công bố lịch diễn sắp tới
Giá vé: 3 hạng 700.000 đồng - 1.150.000 đồng - 1.600.000 đồng
Thời lượng: 60 phút
Lưu ý chung khi xem:
- Điểm diễn: Nhà hát TP Hồ Chí Minh - Số 07 Công Trường Lam Sơn, quận 1
- Trước buổi diễn khán giả được phục vụ thức uống chào mừng
- Sau buổi diễn khán giả có thể chụp ảnh giao lưu với các nghệ sĩ
- Vở diễn không dành cho trẻ em dưới 5 tuổi
- Việc chụp ảnh, quay phim, livestream buổi diễn bị cấm tuyệt đối
- Không gây ồn ào và nhớ tắt chuông điện thoại khi xem vở diễn để tôn trọng các nghệ sĩ và cả khán giả xung quanh
.png)